Hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều có văn bản quy định về tổ chức, hoạt động nhưng thường là Nghị định của Chính phủ. Khác với các cơ quan đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ được ban hành Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam để quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan này.
Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 và các vấn đề trọng tâm.
- Luật Ngân hàng hay nói đầy đủ là Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam - là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam được nhắc đến ở đây là cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động của ngân hàng nhà nước có vai trò quan trọng, tác động đến các tổ chức tín dụng theo Luật tổ chức tín dụng 2010.
- Luật Ngân hàng số 46/2010/QH12, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011 là Luật Ngân hàng mới nhất hiện nay.
- Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam có bố cục gồm 07 Chương với 66 Điều để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Luật Ngân hàng gồm những nội dung gì?
- Luật Ngân hàng Nhà nước quy định các nội dung chính sau:
+ Chương I: Những quy định chung.
+ Chương II: Tổ chức của Ngân hàng Nhà nước.
+ Chương III: Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (Thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Phát hành tiền giấy và tiền kim loại; Cho vay, bảo lãnh, tạm ứng cho ngân sách; Hoạt động thanh toán và ngân quỹ; Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối; Hoạt động thông tin, báo cáo).
+ Chương IV: Tài chính, kế toán của Ngân hàng Nhà nước.
+ Chương V: Thanh tra, giám sát Ngân hàng.
+ Chương VI: Kiểm toán nội bộ.
+ Chương VII: Điều khoản thi hành.
Trong các chương nêu trên, chương III là chương có số điều lớn nhất với 32 điều trong 06 mục.
Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 có rất nhiều các nội dung mới, so với Luật Ngân hàng Nhà nước 1997, sửa đổi, bổ sung 2003. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chuyên mục Thư viện pháp luật trên trang Codon.vn chỉ tập trung vào một số điểm mới nổi bật sau:
- Bổ sung cơ cấu chính sách tiền tệ quốc gia, xác định rõ thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia.
- Quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng.
- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng nhà nước.
- Bổ sung quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ.
- Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong phát hành tiền giấy và tiền kim loại.
Luật Ngân hàng đến nay đã trải qua hơn 10 năm áp dụng, vì vậy, bên cạnh những mặt đạt được, Luật này cũng dần bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Luật Ngân hàng và Luật Ngân sách nhà nước có mối quan hệ thống nhất xuất phát từ vị trí, chức năng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với ngân sách nhà nước.