Luật bảo vệ môi trường năm 2020

Luật bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đặc biệt chú ý. Việc tạo ra được hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giúp cho công tác quản lý được hiệu quả là điều mà nước ta cũng đang hướng đến. Với yêu cầu đó, Luật bảo vệ môi trường hiện hành có nội dung như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau của chuyên mục Thư viện pháp luật trang Codon.vn để nắm thông tin chi tiết.

luat bao ve moi truong

Luật bảo vệ môi trường 2022 và những điểm mới nổi bật

Mục Lục bài viết:
1. Khái quát về luật bảo vệ môi trường mới nhất.
2. Một số nội dung nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường.

* Danh mục từ viết tắt:

- BVMT: Bảo vệ môi trường.

1. Khái quát về luật bảo vệ môi trường mới nhất

- Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 là văn bản mới nhất và đang có hiệu lực thi hành.

- Luật bảo vệ môi trường được ban hành năm nào? Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành vào ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, trừ quy định tại khoản 3 Điều 29 thì có hiệu lực thi thành từ 01/02/2021.

- Bố cục của Luật bảo vệ môi trường:

Luật gồm 171 điều với 16 chương; đã được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong đó, quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.

- Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

+ Phạm vi: Luật quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

+ Đối tượng áp dụng: là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Bạn đọc có thể xem thêm Luật biển Việt Nam mà chúng tôi đã cập nhật và chia sẻ.

- Nguyên tắc bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đề cập đến 07 nguyên tắc sau đây:

+ Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

+ Là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

+ Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

+ Hoạt động BVMT phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

+ BVMT phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

+ Hoạt động BVMT bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

luat bao ve moi truong 2

Luật bảo vệ môi trường qua các thời kỳ. Những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Một số nội dung nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường

Luật bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới đáng chú ý, có thể điểm qua một số nội dung sau đây:

(1) Quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT

Đây là nội dung hoàn toàn mới so với luật BVMT 2014. Theo đó, luật cũ không quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT, luật năm 2020 đã bổ sung "cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Điều này giúp khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT.

(2) Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường

- Các nội dung xuyên suốt của Luật bảo vệ môi trường đã cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư.

- Dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường => Tương ứng với mỗi nhóm thì sẽ áp dụng cơ chế quản lý phù hợp.

(3) Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ thành phần môi trường, đặc biệt là không khí và nước

- Luật bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

- Đối với không khí và môi trường nước: quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, môi trường không khí nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường; đồng thời quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

- Quy định cụ thể trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức kế hoạch quản lý chất lượng môi trường.

(4) Tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích

Theo đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên: (1) quy định pháp luật về giá, (2) khối lượng hoặc thể tích của chất thải đã được phân loại, (3) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Có thể thấy rằng, Luật Bảo vệ môi trường hướng đến việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ngoài Luật bảo vệ môi trường thì Luật Khoáng sản cũng là văn bản được nhiều người quan tâm tìm hiểu, bạn đọc có thể xem thêm để có những thông tin cơ bản về luật này.

Bài liên quan