Điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng theo Nghị định 91/2016/NĐ-CP

Điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng

Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn là những sản phẩm được sử dụng ngày càng phổ biến và mang lại nguồn lợi nhuận tốt cho các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, các sản phẩm này mang tính đặc thù, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, nên không phải ai cũng có thể kinh doanh, mà phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế luật định.

dieu kien kinh doanh hoa chat che pham diet con trung

Kinh doanh hóa chất cần thỏa mãn điều kiện gì? Cập nhật điều kiện kinh doanh dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế là gì?
1.1. Chế phẩm diệt côn trùng là gì?
1.2. Khái niệm kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế.
2. Điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế.
3. Công bố cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
3.1. Về thành phần hồ sơ.
3.2. Thẩm quyền công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm.
3.3. Trình tự thực hiện.

1. Kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế là gì?

1.1. Chế phẩm diệt côn trùng là gì?

- Chế phẩm diệt côn trùng là một sản phẩm đã có tên thương mại và được vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tên gọi, nhãn hiệu, thiết kế.

- Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn được giải thích tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP là "sản phẩm có chứa hoạt chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, có tên thương mại riêng và được sử dụng trực tiếp để diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế".

- Hóa chất và chế phẩm là hai loại khác nhau về cách thức sản xuất, quản lý, điều kiện kinh doanh.

1.2. Khái niệm kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế.

- Khái niệm kinh doanh được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, dựa trên cách giải thích này, có thể hiểu kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế là:

Việc thực hiện một hoặc một số hoặc tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn đến việc tiêu thụ chúng ra thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

- Kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn bao gồm: sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

2. Điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế.

- Như đã nói ở mục 1.2, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế bao gồm rất nhiều các hoạt động, tuy nhiên, do tính quan trọng và là đầu mối đầu tiên cho sự ra đời của chế phẩm, vì vậy, trong phạm vi mục này, chỉ tập trung vào điều kiện đối với cơ sở sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

- Tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP ghi nhận cơ sở sản xuất chế phẩm phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tuy nhiên, Nghị định 155/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định này. Như vậy, việc tiếp cận với sản xuất chế phẩm cũng đơn giản hơn, ít nhất là về loại hình tồn tại để kinh doanh.

- Hiện nay, để được sản xuất chế phẩm phải đáp ứng đủ 03 điều kiện:

(1) Điều kiện về nhân sự.

+ Tối thiểu 01 cá nhân chuyên trách về an toàn hóa chất tốt nghiệp ít nhất trung cấp hóa học và phải làm việc toàn thời gian tại cơ sở.

Điều kiện về nhân sự là rất quan trọng, hầu hết các ngành, nghề kinh doanh đều có, tính quan trọng của nhân sự biểu hiện rõ nhất trong kinh doanh thể thao, độc giả có thể xem tại điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp để biết thêm chi tiết.

(2) Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

+ Tuân thủ các yêu cầu về nhà xưởng, kho chứa; công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì; bảo quản, vận chuyển; san chiết, đóng gói theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Chương II, Mục 1.

+ Có phòng kiểm nghiệm thuộc sở hữu hoặc thuê cơ sở có đủ năng lực, thực hiện được hoạt động kiểm nghiệm được thành phần, hàm lượng hoạt chất của chế phẩm do cơ sở sản xuất.

dieu kien kinh doanh hoa chat che pham diet con trung 2

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế và hồ sơ, thủ tục thực hiện

(3) Điều kiện về thủ tục.

+ Đã được công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm do Sở Y tế thực hiện.

3. Công bố cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Phân tích rõ hơn điều kiện về thủ tục, việc công bố cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 91/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP) như sau:

3.1. Về thành phần hồ sơ.

Cơ sở sản xuất phải chuẩn bị các loại giấy tờ:

+ Văn bản công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm (Mẫu 01, Phụ lục I, Nghị định 91).

+ Bản kê khai nhân sự (Mẫu Phụ lục II, Nghị định 91).

+ Sơ đồ mặt bằng nhà xưởng, kho có xác nhận của cơ sở sản xuất.

+ Danh mục trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất và ứng cứu sự cố hóa chất có xác nhận của cơ sở sản xuất.

Lưu ý:

+ Hồ sơ vừa được chuẩn bị ở bản giấy và bản PDF. Số lượng: 01 bộ.

+ Hồ sơ phải được sắp xếp theo thứ tự lần lượt như nêu trên, có phân cách, trang bìa, danh mục tài liệu, các loại tài liệu phải rõ ràng.

3.2. Thẩm quyền công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm.

Sở Y tế nơi cơ sở đặt nhà xưởng sản xuất là cơ quan có thẩm quyền công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm.

3.3. Trình tự thực hiện.

Cơ sở sản xuất thực hiện thủ tục thông qua người đại diện theo pháp luật với trình tự thực hiện như sau:

- Bước 1: Cá nhân nộp hồ sơ tới Sở Y tế thông qua hình thức trực tiếp/đường bưu điện hoặc trực tuyến.

- Bước 2: Trường hợp nộp trực tiếp mà đủ hồ sơ thì được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất chế phẩm.

- Bước 3: Kể từ ngày ghi trong Phiếu tiếp nhận, Sở Y tế có thời gian 03 ngày làm việc để công khai trên trang thông tin điện tử của Sở về các nội dung: Tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở sản xuất.

Lưu ý: Điều kiện sản xuất chế phẩm phải được duy trì trong suốt quá trình hoạt động, do vậy, khi có bất cứ sự thay đổi về nhân sự, diện tích nhà xưởng, kho; trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất và ứng cứu sự cố; tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ thì cơ sở phải có trách nhiệm cập nhất thông tin trong hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất để sở Y tế cấp nhập trên trang thông tin điện tử.

Việc kinh doanh các hàng hóa đặc biệt như hóa chất hay chế phẩm nêu trên cũng khá phổ biến ở Việt Nam, ngoài ra còn có một số ngành kinh doanh khác tương tự, độc giả có thể theo dõi tại: Điều kiện kinh doanh thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y

Điều kiện kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế đã được giảm đi rất nhiều so với trước đây, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức có mong muốn được kinh doanh hoàn toàn dễ dàng thực hiện được dưới góc độ pháp lý. Để tìm hiểu thêm nhiều điều kiện kinh doanh của các ngành, nghề khác độc giả có thể truy cập chuyên mục Blog trên trang Codon.vn .

Bài liên quan