Phân loại dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP, nhóm A-B-C

Phân loại dự án đầu tư xây dựng

Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng hiện này dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ như nguồn vốn và hình thức đầu tư, công năng phục vụ của công trình hay quy mô, mức độ quan trọng của dự án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cần nắm rõ quy định phân loại dự án này để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp.

phan loai du an dau tu xay dung

Tìm hiểu cách phân loại dự án xây dựng theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP

Mục Lục bài viết:
1. Căn cứ phân loại dự án đầu tư xây dựng.
2. Phân loại dự án đầu tư xây dựng.
2.1. Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng.
2.2. Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý.
2.3. Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
3. Câu hỏi liên quan.
3.1. Phân loại dự án nhóm B, nhóm C dựa trên tiêu chí nào?
3.2. Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp thế nào?

* Danh mục từ viết tắt

- ĐTXD: Đầu tư xây dựng.

1. Căn cứ phân loại dự án đầu tư xây dựng

Theo khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì dự dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa vào các tiêu chí:

- Quy mô, mức độ quan trọng;

- Công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý;

- Nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.

2. Phân loại dự án đầu tư xây dựng

2.1. Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng

Dựa vào tiêu chí này, dự án đầu tư xây dựng được phân thành:

- Dự án quan trọng quốc gia;

- Dự án nhóm A;

- Dự án nhóm B;

- Dự án nhóm C.

phan loai du an dau tu xay dung 2

Phân loại dự án xây dựng nhóm A B C theo Luật xây dựng sửa đổi 2020

2.2. Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý

Theo khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì:

Căn cứ vào tiêu chí phân loại này, dự án đầu tư được phân thành 07 loại như sau:

(1) Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng

Đây là dự án được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cho các hoạt động, nhu cầu về vật chất và tinh thần của đời sống nhân dân, gồm có:

- Dự án ĐTXD công trình nhà ở: chung cư, nhà ở tập thể, nhà ở riêng lẻ (trừ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân).

- Dự án ĐTXD công trình công cộng: công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; thể thao; công trình văn hóa; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; thương mại, dịch vụ; trụ sở, văn phòng làm việc;

- Dự án ĐTXD phục vụ dân sinh khác.

Chú ý: Theo Thông tư 12/2012/TT-BXD thì công trình dân dụng là các công trình xây dựng bao gồm các loại nhà ở khác nhau và phải tuân thủ các kỹ thuật xây dựng dân dụng theo quy định. Chi tiết định nghĩa về kỹ thuật xây dựng dân dụng đã được chia sẻ trên wikipedia.org, mời bạn đọc xem thêm tại bài viết này để có thêm thông tin.

(2) Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp

Là dự án được ĐTXD nhằm phục vụ việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng.

Cụ thể gồm có các dự án ĐTXD công trình sau đây:

- Công trình sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng.

- Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo.

- Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản.

- Công trình dầu khí; năng lượng; hóa chất.

- Công trình công nghiệp nhẹ thuộc các lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm nông, thủy và hải sản.

- Công trình sử dụng cho mục đích công nghiệp khác.

(3) Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật

Đây là các dự án được đầu tư xây dựng nhằm cung cấp các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, gồm các dự án đầu tư xây dựng công trình sau đây:

- Công trình cấp nước; thoát nước.

- Công trình xử lý chất thải rắn.

- Công trình chiếu sáng công cộng.

- Công viên cây xanh.

- Nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng.

- Công trình nhà để xe, sân bãi để xe.

- Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

- Công trình khác nhằm cung cấp các tiện ích hạ tầng kỹ thuật.

(4) Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông

Đây là dự án được ĐTXD nhằm phục vụ trực tiếp cho người và các loại phương tiện giao thông sử dụng lưu thông, vận chuyển người và hàng hoá, gồm có:

- Công trình đường bộ; đường sắt; cầu; hầm.

- Công trình đường thủy nội địa, hàng hải; sân bay.

- Tuyến cáp treo để vận chuyển người và hàng hóa.

- Cảng cạn.

- Các dự án khác phục vụ giao thông vận tải.

(5) Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn

Những dự án này được đầu tư xây dựng nhằm tạo ra các công trình phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho việc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, xây dựng và bảo vệ đê điều. Bao gồm:

- Dự án ĐTXD công trình thủy lợi; đê điều.

- Dự án ĐTXD công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản,

- Các dự án khác phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

phan loai du an dau tu xay dung 3

Phân loại dự án đầu tư xây dựng theo tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý

(6) Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh

Đây là những dự án ĐTXD sử dụng vốn đầu tư công nhằm phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.

(7) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác

Có thể thấy, về tiêu chí phân loại này, Nghị định 15/2021/NĐ-CP đã có những hướng dẫn rất chi tiết, rõ ràng. Nhiều nội dung mới, nổi bật của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây.

2.3. Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư

Dựa trên tiêu chí này, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:

- Dự án sử dụng vốn đầu tư công;

- Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

- Dự án PPP;

- Dự án sử dụng vốn khác.

3. Câu hỏi liên quan

3.1. Phân loại dự án nhóm B, nhóm C dựa trên tiêu chí nào?

Việc phân loại dự án thành dự án nhóm B, nhóm C dựa trên tiêu chí quy mô, mức độ quan trọng của dự án đầu tư. Nội dung này được nêu tại mục 2.1 của bài viết.

3.2. Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp thế nào?

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì nội dung này được quy định như sau:

- Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công: Quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công: Quản lý theo quy định của pháp luật về PPP.

- Dự án sử dụng vốn hỗn hợp gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác:

+ Nếu tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư => Quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

+ Trường hợp còn lại => Quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.

Như vậy, Blog Codon.vn đã cùng bạn tìm hiểu nội dung phân loại dự án đầu tư xây dựng được Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết, giúp việc áp dụng trên thực tế dễ dàng hơn.

Liên quan đến vấn đề xây dựng, chủ đầu tư cũng phải nắm rõ Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bài liên quan