Sử dụng điện thoại khi đang lái xe dường như không còn xa lạ đối với nhiều người tham giao thông mặc dù đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm. Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Chi tiết mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau.
Dừng xe nghe điện thoại có bị phạt không? Lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe máy phạt bao nhiêu?
Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt được quy định tại Khoản 4, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau;
- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. (Trước đây: Từ 01 triệu - 02 triệu đồng)
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 02 tháng.
+ Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Như vậy, đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự ô tô có hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ có thể chịu mức xử phạt cao nhất là 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 04 tháng.
Lưu ý: Người điều khiển phương tiện giao thông khi có điện thoại hoặc khi cần sử dụng điện thoại khẩn cấp thì phải dừng xe. Tuy nhiên, việc dừng xe phải đúng quy định, nếu không xe bị xử phạt bởi lỗi dừng, đỗ xe không đúng quy định. Xem chi tiết mức phạt tại "Dừng đỗ xe ô tô không đúng quy định phạt bao nhiêu?" của Codon.vn.
Cũng tương tự như mức xử phạt đối với ô tô, Nghị định 123 tăng mức xử phạt đối với người đi xe máy sử dụng điện thoại di động là:
- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền từ "800.000 đồng đến 1.000.000 đồng" (Trước ngày 01/01/2022, phạt tiền từ 600 nghìn - 01 triệu đồng).
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng -03 tháng.
+ Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng -04 tháng nêu gây tai nạn giao thông.
Như vậy, mức xử phạt cao nhất mà người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại khi đang lái xe là 1.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 04 tháng.
Lỗi sử dụng điện thoại có cần hình ảnh không? Cập nhật mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe máy 2022
So với mức phạt của xe ô tô và xe máy, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy và các loại xe thô sơ sử dụng điện thoại sẽ có mức xử phạt thấp hơn được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền từ "80.000 đồng đến 100.000 đồng".
- Không áp dụng hình thức phạt bổ sung.
Như vậy, mức xử phạt cao nhất mà người lái xe đạp có thể bị áp dụng đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe là "100.000 đồng".
Lưu ý: Để hiểu rõ quy định pháp luật về mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe máy, ô tô, xe thô sơ, bạn đọc cần nắm được cách phân loại xe theo quy định của Luật giao thông đường bộ. Thông tin chi tiết về cách phân loại xe, bạn đọc có thể xem thêm trên wikipedia.org qua bài viết này.
Câu hỏi: Nguyễn Thị Linh là sinh viên trường Học viện báo chí và tuyên truyền, điều khiển xe máy đang trên đường đi học đoạn Xuân Thủy, Hà Nội thì nhận được cuộc gọi của mẹ, Linh đã kết nối tai nghe trước đó và bắt máy. Lúc này, bạn Linh bị cảnh sát giao thông bắt và đưa ra mức xử phạt là 800.000 đồng. Vậy, cách sát giao thông xử phạt có đúng hay không?
Theo quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
"Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: ...
h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính."
Như vậy, đối với hành vi của A là sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh (tai nghe) thì việc áp mức xử phạt 800.000 đồng của cảnh sát giao thông là đúng và có căn cứ pháp luật.
Cần lưu ý, việc nghe điện thoại thông qua tai nghe không dây sẽ không bị xử phạt đối với người điều khiển ô tô và xe đạp (các loại xe thô sơ khác).
Chú ý: Tham gia giao thông trên đường, các phương tiện cần có gương chiếu hậu để lái xe an toàn. Trong trường hợp không có gương chiếu hậu, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Thông tin về mức phạt lỗi xe không có gương chiếu hậu đã được Codon.vn chia sẻ, mời bạn đọc tham khảo để nắm được quy định pháp luật về vấn đề này.
Cầm điện thoại có bị phạt không? Sử dụng tai nghe không dây khi đang lái xe có bị phạt không?
Câu hỏi: Tôi vừa đăng ký chạy xe ôm Grab, tôi nghe nói rằng việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy có thể bị xử phạt, tuy nhiên, do đặc thù công việc tôi đã sử dụng đặt trụ giữ điện thoại để theo dõi lịch trình, điều đó có bị xử phạt hay không, trường hợp này có được ngoại lệ hay không?
Câu trả lời là: Có bị xử phạt.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi "Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính." là hành vi vi phạm và mức xử phạt được áp dụng là từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, việc đặt trụ giữ điện thoại để theo dõi lịch trình chỉ mang một hình thức khác (mặc dù không dùng tay trực tiếp để cầm) trong việc sử dụng điện thoại di động, việc lướt, xem có thể gây mất tập trung, nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác, do vậy, bạn hoàn toàn có thể bị xử phạt nếu thực hiện hành vi trên với mức phạt cao nhất là 1.000.000 đồng và "giam bằng" từ 01 tháng đến 03 tháng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe mà chuyên mục giao thông của Codon.vn muốn giới thiệu đến bạn đọc. Việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe không những gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho những người tham gia giao thông khác. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông, đảm bảo văn hóa giao thông an toàn, tích cực.