Lỗi về "chữ ký" là lỗi đặc trưng trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán, kế toán được ghi nhận tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP. Mặc dù cùng là lỗi về "chữ ký" nhưng đối với các hành vi khác nhau, mức xử phạt cũng có sự khác nhau.
Mức phạt vi phạm hành chính về lỗi chữ ký trong lĩnh vực tài chính, kế toán
Bất kỳ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (có phát sinh thu nhập từ dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam) nào thực hiện hoạt động kế toán, kiểm toán, khi vi phạm lỗi về "chữ ký" đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Quy định về xử phạt có áp dụng đối với hộ gia đình và tổ hợp tác (Áp dụng mức xử phạt tương tự cá nhân).
Lỗi chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán bị phạt khi nào? Quy định về đối tượng bị phạt
Căn cứ vào Nghị định 41/2018/NĐ-CP, có thể liệt kê 12 hành vi vi phạm về "chữ ký" gắn với mức xử phạt như sau:
(1) Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn.
Cơ sở pháp lý (CSPL): Điều 8, Khoản 1, Điểm d.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng.
(2) Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.
CSPL: Điều 8, Khoản 2, Điểm d.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng.
(3) Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ.
CSPL: Điều 8, Khoản 2, Điểm đ.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng.
(4) Thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.
CSPL: Điều 8, Khoản 3, Điểm e.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng.
(5) Lập sổ kế toán thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
CSPL: Điều 9, Khoản 1, Điểm a.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng.
Chú ý: Cùng với chữ ký của người đại diện doanh nghiệp, hầu hết các chứng từ kế toán được coi là hợp lệ khi có đầy chữ ký của kế toán trưởng. Để có thêm thông tin về công việc, quyền hạn, trách nhiệm, điều kiện để được đảm nhiệm công việc kế toán trưởng tại Việt Nam, bạn đọc có thể tìm hiểu qua nội dung bài viết này trên wikipedia.org.
(6) Sổ kế toán không có đầy đủ chữ ký sau khi in ra giấy (trừ các loại sổ không bắt buộc in).
CSPL: Điều 9, Khoản 1, Điểm c.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng.
(7) Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
CSPL: Điều 11, Khoản 1, Điểm b.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng.
(8) Tài liệu kế toán sao chụp không có đầy đủ chữ ký, đóng dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
CSPL: Điều 13, Khoản 2.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng.
(9) Báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định.
CSPL: Điều 16, Khoản 1, Điểm a.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng.
(10) Lập báo cáo kiểm toán không có đầy đủ chữ ký của kiểm toán viên hành nghề theo quy định.
CSPL: Điều 48, Khoản 3, Điểm c.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng.
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp kiểm toán.
Các lỗi về chữ ký và mức phạt đi kèm trong kế toán, tài chính
(11) Bản báo cáo minh bạch khi công bố không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền.
CSPL: Điều 58, Khoản 1, Điểm a.
Hình thức xử phạt: Cảnh cáo.
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp kiểm toán.
Lưu ý:
- Mức xử phạt đối với các hành vi từ (1) đến (9) được áp dụng đối với cá nhân. Nếu cùng tổ chức vi phạm cùng hành vi thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
- Hình thức xử phạt nhẹ nhất được áp dụng là cảnh cáo, mức phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng.
Liên quan đến lĩnh vực kế toán, bạn đọc có thể tham khảo bài viết thời hạn lưu trữ tài liệu, chứng từ kế toán để nắm được quy định pháp luật về thời gian lưu trữ chứng từ kế toán loại 5 năm, 10 năm, vĩnh viễn.
Chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói chung và thẩm quyền xử phạt các lỗi về "chữ ký" nói riêng được thực hiện theo quy định tại Điều 70, 71 Nghị định 41/2018/NĐ-CP.
Việc xác định thẩm quyền dựa trên mức xử phạt đối với cá nhân, nếu xử phạt tiền thì cùng chức danh đó, người có thẩm quyền được xử phạt gấp đôi đối với tổ chức.
- Thanh tra viên tài chính: Phạt cảnh cáo.
- Chánh thanh tra sở Tài Chính: Phạt tiền cao nhất là 25 triệu đồng.
- Chánh thanh tra Bộ Tài chính: Phạt tiền cao nhất là 50 triệu đồng.
- UBND cấp xã: Phạt tiền cao nhất là 5 triệu đồng.
- UBND cấp huyện: Phạt tiền cao nhất 25 triệu đồng.
- UBND cấp tỉnh: Phạt tiền tối đa 50 triệu đồng.
Lưu ý: Tất cả các chủ thể nêu trên đều có thẩm quyền phạt cảnh cáo.
Theo quy định của thông tư 78/2021/TT-BTC, từ 1/7/2022, tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Trong trường hợp phát hiện sai lỗi trên hóa đơn, kế toán đơn vị có thể xử lý sai sót theo hướng dẫn theo các văn bản pháp lý liên quan. Để có thêm hiểu biết về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu trong bài chia sẻ Quy định về xử lý sai sót đối với hóa đơn điện tử đã lập của Codon.vn.
Mức phạt lỗi về "chữ ký" trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã được Blog thông tin đến bạn đọc. Các cá nhân làm kế toán, tổ chức, đơn vị cần nắm rõ quy định pháp luật về vấn đề này và nâng cao kỹ năng xử lý nghiệp vụ, tránh bị xử phạt các lỗi phát sinh về chữ ký trong quá trình sản xuất kinh doanh.