Mức đóng đảng phí của đảng viên năm 2022, cập nhật theo quy định mới

Mức đóng đảng phí của đảng viên

Đảng phí là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của tổ chức Đảng. Là đảng viên, bạn cần nắm được đối tượng, mức đóng đảng phí của Đảng viên để trích thu nhập hàng tháng và nộp phí theo quy định.

Muc dong dang phi cua dang vien

Quy định mức đóng đảng phí mới nhất và các trường hợp được miễn đóng Đảng phí

Mục Lục bài viết:
1. Quy định về việc đóng đảng phí của đảng viên.
2. Mức đóng đảng phí của đảng viên.
2.1 Đảng viên trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội.
2.2. Đảng viên trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2.3. Đảng viên hưởng lương BHXH.
2.4. Đảng viên làm việc trong các DN, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế.
2.5. Đảng viên khác ở trong nước.
2.6. Đảng viên sống, học tập, làm việc ở ngoài nước.
3. Không đóng đảng phí thì bị xử lý thế nào?.
4. Câu hỏi liên quan.
4.1. Đảng viên có nhiều nguồn thu nhập thì tính đóng đảng phí thế nào?.
4.2. Những khoản phụ cấp nào không phải tính đóng đảng phí?.
4.3. Có được đóng đảng phí cao hơn mức quy định không?.
4.4. Đảng viên hoàn cảnh khó khăn có được miễn, giảm tiền đảng phí không?.

 

* Danh mục từ viết tắt:

- BHXH: Bảo hiểm xã hội

- TNCN: Thu nhập cá nhân

- DN: Doanh nghiệp

1. Quy định về việc đóng đảng phí của đảng viên

Theo Quyết định số 342-QĐ/TW ngày 28/12/2010 thì:

- Đóng đảng phí là là nhiệm vụ của đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa chính trị quan trọng.

- Căn cứ để tính đóng đảng phí là thu nhập hàng tháng của đảng viên.

- Thu nhập này bao gồm:

+ Tiền lương, một số khoản phụ cấp;

+ Tiền công;

+ Sinh hoạt phí;

+ Các khoản thu nhập khác.

- Xác định thu nhập hàng tháng của đảng viên để đóng đảng phí như sau:

+ Nếu xác định được thu nhập thường xuyên, đóng đảng phí theo tỷ lệ (%) của thu nhập hàng tháng (chưa tính trừ thuế TNCN);

+ Nếu khó xác định được thu nhập thì quy định mức đóng cụ thể hàng tháng cho từng loại đối tượng.

Muc dong dang phi nam 2022

Quy định miễn đóng đảng phí, mức đóng đảng phí của người không có lương, người đang công tác hoặc đã nghỉ hưu

Lưu ý: Đảng viên hay Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được hiểu là những người được kết nạp và là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để có thể tham gia Đảng, công dân Việt Nam cần có tuổi từ 18 trở lên và tự nguyện tuân thủ điều lệ đảng, cương lĩnh chính trị, tiêu chuẩn và nhiệm vụ của Đảng viên,... Để hiểu rõ hơn về định nghĩa Đảng viên và các thông tin về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia Đảng, bạn có thể tham khảo thêm trên wikipedia.org thông qua nội dung bài viết này.

2. Mức đóng đảng phí của đảng viên

Mức đóng đảng phí hàng tháng của đảng viên được quy định tại Quyết định 342-QĐ/TW năm 2010 và Công văn 141-CV/VPTW/nb năm 2011 như sau:

2.1. Đảng viên trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội

- Mức đóng = 1% tiền lương

- Tiền lương là tiền lương theo ngạch bậc, tiền lương tăng thêm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và các khoản phụ cấp tính đóng BHXH; tiền công.

2.2. Đảng viên trong lực lượng vũ trang nhân dân

a. Đảng viên trong Quân đội nhân dân

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương theo cấp bậc quân hàm:

Mức đóng = 1% tiền lương, các khoản phụ cấp tính đóng BHXH.

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ:

Mức đóng = 1% phụ cấp.

- Công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng:

Mức đóng = 1% tiền lương (gồm cả tiền lương tăng thêm), các khoản phụ cấp đóng BHXH, tiền công.

b. Đảng viên trong Công an nhân dân

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương theo cấp bậc quân hàm:

Mức đóng = 1% tiền lương, các khoản phụ cấp tính đóng BHXH.

- Công nhân, viên chức, người lao động hợp đồng, lao động tạm tuyển:

Mức đóng = 1% tiền lương (gồm cả tiền lương tăng thêm), các khoản phụ cấp đóng BHXH, tiền công.

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn hưởng phụ cấp quân hàm; học sinh, học viên hưởng sinh hoạt phí:

Mức đóng = 1% phụ cấp, sinh hoạt phí.

Quyet dinh 342 ve thu dang phi

Quyết định 342 về thu đảng phí cho Đảng viên

2.3. Đảng viên hưởng lương BHXH

Mức đóng = 0,5% x Mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

2.4. Đảng viên làm việc trong các DN, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế

a. Đảng viên trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế (sự nghiệp kinh tế, giáo dục, y tế, báo chí...)

Mức đóng = 1% tiền lương (bao gồm cả tiền lương tăng thêm), phụ cấp tính đóng BHXH; tiền công.

b. Đảng viên làm việc trong các DN

- Mức đóng = 1% tiền lương, phụ cấp tính đóng BHXH; tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị.

- Đảng viên trong các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài; DN liên doanh, công ty cổ phần (Nhà nước không nắm cổ phần chi phối); doanh nghiệp tư nhân:

+ Đảng viên tự kê khai tiền lương, phụ cấp lương tính đóng đảng phí với chi bộ;

+ Nếu khó xác định được tiền lương, mức đóng = 1% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH.

Lưu ý: Là đảng viên đang công tác trong các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, bạn cần nắm được cách tính mức bình quân tiền lương để hưởng BHXH một lần và lựa chọn ra phương thức nhận lương hưu phù hợp sau khi kết thúc hợp đồng lao động.

2.5. Đảng viên khác ở trong nước

a. Đảng viên làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do...

* Trong độ tuổi lao động:

- Khu vực nội thành thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương: 10.000 đồng/tháng.

- Khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương: 8.000 đồng/tháng.

- Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (khu vực III): 4.000 đồng/tháng.

- Các khu vực còn: 6.000 đồng/tháng.

* Ngoài độ tuổi lao động (nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi); đảng viên là thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động:

- Khu vực nội thành thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương: 5.000 đồng/tháng.

- Khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương: 4.000 đồng/tháng.

- Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (khu vực III): 2.000 đồng/tháng.

- Các khu vực còn: 3.000 đồng/tháng.

b. Đảng viên là học sinh, sinh viên không hưởng lương, phụ cấp

Mức đóng: 3.000 đồng/tháng.

c. Đảng viên là chủ trang trại; chủ cửa hàng thương mại, sản xuất, kinh doanh dịch vụ

- Khu vực nội thành thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương: 30.000 đồng/tháng.

- Khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương: 25.000 đồng/tháng.

- Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (khu vực III): 15.000 đồng/tháng.

- Các khu vực còn lại: 20.000 đồng/tháng.

2.6. Đảng viên sống, học tập, làm việc ở ngoài nước

a. Đảng viên ra ngoài nước theo diện được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí, cơ quan đại diện (phu nhân, phu quân); doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và lưu học sinh, chuyên gia, cộng tác viên...

Mức đóng = 1% tiền lương hoặc sinh hoạt phí.

b. Đảng viên đi du học tự túc; đảng viên đi xuất khẩu lao động; đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống

* Đảng viên đi du học tự túc, đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống:

- Đi du học tự túc, đảng viên đi theo gia đình: 2 USD/tháng.

- Là thành phần tự do làm ăn sinh sống; kinh doanh, dịch vụ nhỏ: 3 USD/tháng.

* Đảng viên đi xuất khẩu lao động :

- Làm việc tại các nước công nghiệp phát triển và các nước có mức thu nhập bình quân trên đầu người cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...): 4 USD/tháng.

- Làm việc tại các nước còn lại: 2 USD/tháng.

c. Đảng viên là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại

Mức đóng tối thiểu = 10 USD/tháng.

3. Không đóng đảng phí thì bị xử lý thế nào?

- Như đã khẳng định từ đầu bài viết, đóng đảng phí là nhiệm vụ của Đảng viên.

- Theo Điều 8 Quy định 29-QĐ/TW năm 2016 thì đảng viên không đóng đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xóa tên trong danh sách Đảng viên.

- Trường hợp đảng viên không đóng đảng phí ít hơn 03 tháng hoặc có lý do chính đáng thì không bị xem xét xóa tên khỏi danh sách Đảng viên, chỉ bị nhắc nhở đóng đảng phí đúng quy định.

Quy dinh muc dong dang phi moi nhat

Hướng dẫn thu đảng phí năm 2022 và các xử lý đảng viên không đóng đảng phí

Tương tự, pháp luật cũng quy định về hình thức xử phạt đối với Đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4, thứ 5. Mức xử phạt có thể bắt đầu từ khiến trách đến nặng nhất là khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, nếu nằm trong các trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 không bị kỷ luật theo quy định tại Điều 2 Quy định 05-QĐi/TW ngày 28/8/2018, Đảng viên sẽ được loại trừ trách nhiệm. Nếu đang hoạt động trong Đảng, bạn đọc cần nắm rõ quy định này, tránh bị xử lý theo quy định hoạt động của Đảng.

4. Câu hỏi liên quan đến mức đóng Đảng phí của Đảng viên

4.1. Đảng viên có nhiều nguồn thu nhập thì tính đóng đảng phí thế nào?

Đảng viên có nhiều nguồn thu nhập thì tính đóng đảng phí theo thu nhập ở cơ quan, đơn vị hoặc tại địa bàn nơi đảng viên đó sinh hoạt đảng.

4.2. Những khoản phụ cấp nào không phải tính đóng đảng phí?

Những khoản phụ cấp không tính đóng đảng phí gồm:

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp được trả bằng hiện vật;

- Phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại, tiền thưởng tết,...(các khoản phụ cấp không tính đóng BHXH);

- Trợ cấp chính sách xã hội như: trợ cấp thương tật, trợ cấp thân nhân liệt sĩ, trợ cấp nhiễm chất độc da cam...

4.3. Có được đóng đảng phí cao hơn mức quy định không?

- Câu trả lời là có.

- Quyết định 342-QĐ/TW năm 2010 khuyến khích đảng viên tự nguyện đóng đảng phí cao hơn mức quy định, tuy nhiên phải được chi uỷ đồng ý.

4.4. Đảng viên hoàn cảnh khó khăn có được miễn, giảm tiền đảng phí không?

- Câu trả lời là có.

- Tuy nhiên, đảng viên phải làm đơn đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng đảng phí và gửi lên chi bộ.

- Chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp uỷ cơ sở quyết định miễn, giảm đảng phí cho đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trên đây là thông tin về mức đóng đảng phí của đảng viên mới nhất 2022 do đội ngũ biên tập pháp luật của Blog Codon.vn tổng hợp được. Bạn đọc theo dõi để biết mình thuộc đối tượng nào và thực hiện đóng đảng phí theo đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan