Luật thương mại mới nhất 2022

Luật thương mại

Luật thương mại điều chỉnh các hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và cả hoạt động thương mại ngoài lãnh thổ trong một số trường hợp nhất định. Mời bạn đọc cùng chuyên mục Thư viện pháp luật của Codon.vn tìm hiểu cụ thể hơn thông qua bài viết sau.

luat thuong mai

Luật Thương mại 2005, Luật số 36/2005/QH11

Mục Lục bài viết:
1. Khái quát chung về Luật thương mại hiện hành.
2. Một số nội dung nổi bật của luật thương mại.
2.1. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại.
2.2. Các chế tài trong hoạt động thương mại.

1. Khái quát chung về Luật thương mại hiện hành

- Luật thương mại mới nhất hiện đang có hiệu lực thi hành là Luật thương mại 2005.

- Luật được ban hành ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.

- Luật Thương mại có 09 chương với 324 điều luật.

- Phạm vi điều chỉnh: Luật thương mại số 36/2005/qh11 điều chỉnh:

(1) hoạt động thương mại trên lãnh thổ nước Việt Nam;

(2) các hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước ta trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn Luật Thương mại áp dụng hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật Thương mại;

(3) hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam nếu bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi chọn áp dụng Luật Thương mại.

- Đối tượng áp dụng gồm có các thương nhân hoạt động thương mại, tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.

2. Một số nội dung nổi bật của luật thương mại

2.1. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

Theo quy định hiện hành, có 06 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại gồm:

(1) Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân. Theo đó, trong hoạt động thương mại thì thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.

(2) Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận

- Trong hoạt động thương mại, các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

- Các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

(3) Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại.

(4) Nguyên tắc áp dụng tập quán

Nếu pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và cũng không có thói quen đã được thiết lập => thì áp dụng tập quán thương mại, không được trái với các nguyên tắc của thương mại và bộ luật dân sự.

(5) Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng

- Thương nhân có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh cho người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.

- Thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.

(6) Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Trong hoạt động thương mại, nếu các thông điệp dữ liệu đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật mà pháp luật quy định thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

luat thuong mai 2

Những nội dung đáng chú ý của Luật Thương mại

2.2. Các chế tài trong hoạt động thương mại

Theo Điều 292 Luật thương mại thì hiện nay có những loại chế tài sau đây:

- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

+ Là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

+ Nếu bên vi phạm giao thiếu hàng, cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng => phải giao đủ hàng, cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Nếu giao hàng, cung ứng dịch vụ kém chất lượng => phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm...

- Phạt vi phạm.

Bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm sau đây:

+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

- Buộc bồi thường thiệt hại.

+ Bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

+ Giá trị bồi thường thiệt hại gồm: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm, một bên được tạm ngừng thực hiện hợp đồng nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:

+ Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

+ Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Tương tự như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì một bên được chấm dứt hợp đồng:

+ Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;

+ Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

- Huỷ bỏ hợp đồng: Gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.

Trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm, những trường hợp dưới đây được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng:

+ Xảy ra hành vi vi phạm đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

+ Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

- Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận (đảm bảo không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế).

Trên đây là một số thông tin về Luật thương mại mà các thương nhân cần nắm rõ để quá trình hoạt động, kinh doanh của mình diễn ra đúng quy định pháp luật, hạn chế xảy ra sai sót.

Bài liên quan