Hồ sơ, điều kiện đăng ký kết hôn cập nhật 2022, thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất

Hồ sơ, điều kiện đăng ký kết hôn cập nhật 2022

Nam, nữ khi đăng ký kết hôn trước hết cần phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn mà pháp luật quy định, sau đó sẽ tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Về hồ sơ, điều kiện đăng ký kết hôn cập nhật 2022 được thể hiện trong bài viết dưới đây.

ho so dieu kien dang ky ket hon cap nhat 2022

Hồ sơ đăng ký kết hôn gồm những gì? Cập nhật quy trình thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất 2022

Mục Lục bài viết:
1. Hồ sơ đăng ký kết hôn.
1.1. Kết hôn trong nước.
1.2. Kết hôn có yếu tố nước ngoài.
2. Điều kiện đăng ký kết hôn.
3. Câu hỏi liên quan.
3.1. Cưỡng ép kết hôn thì bị xử lý như thế nào?
3.2. Tổ chức lấy vợ/chồng cho người chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?
3.3. Mức phạt đối với hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có vợ/chồng.

1. Hồ sơ đăng ký kết hôn.

Căn cứ Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ cần phải nộp khi đăng ký kết hôn gồm có:

1.1. Kết hôn trong nước.

Hai bên nam, nữ kết hôn trong nước cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn (mẫu số 02 Phụ lục 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Link tải Mẫu Tờ khai đăng ký kết hôn:

https://taimienphi.vn/download-to-khai-dang-ky-ket-hon-13094

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp. (Chi tiết thủ tục xin cấp loại giấy này, mời bạn xem tại bài viết:"Xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cần những gì?" của chúng tôi)

- Một trong những giấy tờ sau: CMND/CCCD/Hộ chiếu, sổ tạm trú/sổ hộ khẩu của hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn.

- Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật (nếu các bên nam/nữ đã từng kết hôn và ly hôn).

1.2. Kết hôn có yếu tố nước ngoài

Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị đối với nam, nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài gồm có:

- Tờ khai đăng ký kết hôn.

- Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần/bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam/nước ngoài xác nhận.

- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn (trường hợp người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).

- Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (bản sao).

Việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khi đăng ký kết hôn là một trong những cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Nếu trường hợp, người đăng ký kết hôn không chuẩn bị đủ những hồ sơ đã quy định thì sẽ không được giải quyết.

ho so dieu kien dang ky ket hon cap nhat 2022 2

Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn 2022, hồ sơ đăng ký kết hôn trong nước, kết hôn có yếu tố nước ngoài cập nhật mới nhất

2. Điều kiện đăng ký kết hôn.

Kết hôn được hiểu là việc nam, nữ xác lập mối quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và đáp ứng về điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn.

Điều kiện đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể là những điều kiện như sau:

2.1. Điều kiện về độ tuổi.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về độ tuổi kết hôn, đó là: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh.

Trong một số trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh của người đăng ký kết hôn thì sẽ được tính theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:

- Không xác định được tháng sinh, chỉ xác định được năm sinh => Tháng sinh được xác định là tháng 01 của năm sinh.

- Không xác định được ngày sinh, chỉ xác định được tháng sinh, năm sinh => Ngày sinh được xác định là ngày 01 của tháng sinh.

2.2. Điều kiện về sự tự nguyện.

Một trong những điều kiện kết hôn được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014, đó là: "Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định".

- Điều này được hiểu là việc nam, nữ khi có mong muốn xác lập mối quan hệ vợ chồng với nhau thì hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện của họ và sẽ do họ tự quyết định.

- Đồng thời, tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định Nhà nước có trách nhiệm, chính sách, biện pháp, tạo điều kiện để nam, nữ kết hôn tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2.3. Điều kiện về năng lực hành vi dân sự.

Nam, nữ khi đăng ký kết hôn thì cả hai đều phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự (Điểm c Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014).

- Tức là nam, nữ kết hôn không bị mắc các bệnh như: tâm thần hoặc những bệnh khác tương tự dẫn đến việc người đó không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và đã được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

- Về "năng lực hành vi dân sự" được quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015, theo đó: năng lực hành vi dân sự của cá nhân được hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình và xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

- Nếu trường hợp nam, nữ đăng ký kết hôn mà không đảm bảo yếu tố về mặt năng lực hành vi dân sự thì sẽ không đủ điều kiện để đăng ký kết hôn. Việc xác định một người có mất năng lực hành vi dân sự hay không sẽ phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành dân sự dựa trên kết luận giám định.

ho so dieu kien dang ky ket hon cap nhat 2022 3

Điều kiện đăng ký kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014

2.4. Không thuộc những trường hợp bị cấm kết hôn.

Những trường hợp bị cấm kết hôn được quy định như sau:

1- Kết hôn giả tạo: kết hôn giả tạo được hiểu là việc kết hôn không vì mục đích hôn nhân và vì những mục đích khác như: xuất - nhập cảnh, nhập quốc tịch Việt Nam - nước ngoài, những mục đích khác không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

2- Tảo hôn: được hiểu là việc nam chưa đủ 20 tuổi trở lên/nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên nhưng đã lấy vợ, lấy chồng.

3- Cưỡng ép kết hôn: được hiểu là những hành vi như: đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc có những hành vi khác tương tự nhằm ép buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Như đã nêu ở trên, nam nữ kết hôn phải dựa trên sự tự nguyện, do đó việc cưỡng ép kết hôn là hành vi vi phạm.

4- Cản trở kết hôn: là việc thực hiện những hành vi nhằm đến mục tiêu là ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

5- Lừa dối kết hôn: được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc một bên thứ ba nhằm làm cho bên còn lại hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn.

6- Người đang có vợ/có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ/có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ: đây là hành vi nam, nữ tổ chức chung sống với nhau và coi nhau như là vợ chồng => Điều này vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

7- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với những người sau:

+ Những người có cùng dòng máu về trực hệ.

+ Những người có họ trong phạm vi 03 đời.

+ Giữa: cha, mẹ nuôi - con nuôi, người đã từng là cha, mẹ nuôi -con nuôi, cha chồng - con dâu, mẹ vợ - con rể, cha dượng - con riêng của vợ, mẹ kế - con riêng của chồng.

* Lưu ý:

Ngoài những điều kiện kết hôn mà pháp luật quy định đã được nêu ở trên, tại Khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".

=> Như vậy, theo quy định này Nhà nước không cấm kết hôn đồng giới nhưng Nhà nước cũng không công nhận, bảo vệ hôn nhân đồng giới (Để hiểu rõ hơn về hôn nhân đồng giới và các ý kiến, quan điểm thừa nhận hôn nhân dạng này, bạn đọc có thể xem thêm thông tin trên cổng wikipedia.org qua bài viết này).

ho so dieu kien dang ky ket hon cap nhat 2022 4

Quy trình đăng ký kết hôn theo pháp luật và điều kiện cần thỏa mãn

Khi đáp ứng đủ những điều kiện kết hôn đã nêu ở trên, các bên nam, nữ có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Về thủ tục đăng ký kết hôn, mời bạn đọc xem tại bài viết: "Thủ tục đăng ký kết hôn năm 2022"

3. Câu hỏi liên quan.

3.1. Cưỡng ép kết hôn thì bị xử lý như thế nào?

Như đã nêu ở trên, cưỡng ép kết hôn là một trong những điều bị cấm trong hôn nhân, việc cưỡng ép kết hôn sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ Điểm c Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử phạt với mức: bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

3.2. Tổ chức lấy vợ/chồng cho người chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?

Người chưa đủ tuổi kết hôn mà đã kết hôn được hiểu là hành vi tảo hôn và hành vi tổ chức lấy vợ/chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với hành vi tổ chức lấy vợ/chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị phạt tiền 01 - 03 triệu đồng (Khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).

3.3. Mức phạt đối với hành vi chung sống như vợ chồng với người đã có vợ/chồng.

Người đã có vợ/có chồng hoặc người chưa có vợ/có chồng chung sống như vợ chồng với người đã có vợ/có chồng mà đã biết rõ người đó đã có vợ/có chồng thì sẽ bị xử phạt với mức: bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng (Điểm b, c Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).

Như vậy, khi kết hôn, làm thủ tục đăng ký kết hôn thì người đăng ký kết hôn phải chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ về hồ sơ, điều kiện kết hôn theo hướng dẫn trong bài viết này của Blog Codon.vn. Đây là những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận quan hệ hôn nhân.

Bài liên quan