Người nước ngoài, người không quốc tịch muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải đáp ứng đủ điều kiện và sau đó phải làm thủ tục nhập quốc tịch theo quy định. Dưới đây là điều kiện, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất.
Ai có quyền cho nhập quốc tịch Việt Nam? Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con, cho người nước ngoài, người không có quốc tịch
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Nghị định 16/2020/NĐ-CP như sau:
1- Về năng lực hành vi dân sự:
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi).
2- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam: sống và làm việc theo quy định của pháp luật, có tinh thần thượng tôn pháp luật.
3- Về ngôn ngữ: biết tiếng Việt (có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt) đủ để hòa nhập với cộng đồng Việt Nam và phù hợp với môi trường sống.
4- Về điều kiện sống: Có khả năng đảm bảo được cuộc sống tại Việt Nam (có thể chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp, bảo lãnh của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam).
5- Phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú theo quy định.
6- Phải có tên gọi Việt Nam và phải được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Lưu ý: Hiện tại, điều kiện và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam được quy định chi tiết trong Luật quốc tịch Việt Nam (Bộ luật chứa các quy định pháp lý về quốc tịch được pháp luật thông qua). Các vấn đề về nguyên tắc xác định quốc tịch, giấy tờ, chứng minh quốc tịch Việt Nam,..., đã được tổng hợp trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào link bài viết này để tìm hiểu thêm.
* Điều kiện nhập quốc tịch Việt nam đối với những trường hợp đặc biệt:
Đối với những người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường sau đây thì chỉ cần đáp ứng điều kiện 1, điều kiện 2 và điều kiện 5 nêu trên thì sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam:
- Nhóm 1: Người xin nhập là vợ, chồng, cha mẹ - con đẻ của công dân Việt Nam.
- Nhóm 2: Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (có các danh hiệu cao quý hoặc phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đó).
- Nhóm 3: Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Việt Nam, có những đóng góp tích cực lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam sau khi nhập quốc tịch Việt Nam.
Đối những người thuộc nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 nêu trên khi xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng những điều kiện sau:
- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.
- Có công lao đặc biệt, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó hoặc việc buộc thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ ở nước ngoài.
- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam theo Luật quốc tịch Việt Nam 2008
Khi nhập quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch cần phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ được quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP như sau:
- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Lưu ý: Đối với người giám hộ/đại diện theo pháp luật làm Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ/người được đại diện thì dùng mẫu đơn dưới đây:
- Bản khai lý lịch.
- Thẻ thường trú (bản sao).
- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ:
+ Do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp: Đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam.
+ Do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp: Đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương.
Giấy tờ khác là giấy tờ có nêu đầy đủ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh và có đóng dấu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Giấy khai sinh, giấy tờ hợp lệ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (đối với con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha, mẹ).
- Văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con (trường hợp con chưa thành niên muốn nhập quốc tịch Việt Nam theo cha, mẹ mà chỉ có cha hoặc mẹ đã nhập quốc tịch Việt Nam).
- Giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (trường hợp con chưa thành niên muốn nhập quốc tịch Việt Nam theo cha, mẹ mà chỉ có cha hoặc mẹ đã nhập quốc tịch Việt Nam và cha, mẹ chết hoặc mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự).
- Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt.
Là bản sao văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ tiếng Việt, người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam như: bằng thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân, tốt nghiệp đại học, trung cấp, cao đẳng...và những giấy tờ khác có giá trị tương đương do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(Trường hợp được không có giấy tờ chứng minh nêu trên thì Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, phỏng vấn về khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của người đó).
- Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam như: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, bảng lương, giấy tờ bảo lãnh của cá nhân, tổ chức tại Việt Nam, giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú về tình trạng nhà ở, công việc, thu nhập của người xin nhập quốc tịch.
* Những trường hợp người xin nhập quốc tịch được miễn một số điều kiện nêu trên thì phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (có vợ, chồng là công dân Việt Nam). (Chi tiết trình tự, thủ tục xin giấy xác nhận độc thân đã được Codon.vn chia sẻ, bạn đọc có thể tìm đọc bài viết Xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cần những gì để có thêm thông tin).
- Giấy khai sinh, giấy tờ hợp lệ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (bản sao).
- Giấy tờ chứng minh tương ứng thuộc trường hợp được miễn.
Giấy tờ, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam chuẩn bị 03 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ nêu trên, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.
- Nộp hồ sơ: Hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú.
- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ => Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Nếu người xin nhập quốc tịch không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày có thông báo thì được coi là người đó không tiếp tục xin nhập quốc tịch Việt Nam và trả lại hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ => Sở Tư pháp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ:
+ Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác nhận về thân nhân của người xin nhập quốc tịch (thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).
+ Cơ quan công an tiến hành xác minh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và gửi kết quả xác minh đến Sở Tư pháp.
+ Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh (thời hạn: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh).
+ Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kết luận, đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp (thời hạn: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp).
+ Bộ Tư pháp kiểm tra hồ sơ:
Nếu đủ điều kiện => Gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài (trừ trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài/người không có quốc tịch) => Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Thời hạn giải quyết: 115 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Người nộp hồ sơ đến nhận kết quả theo lịch hẹn.
Trình tự, thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất
Liên quan đến vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam, bạn đọc có thể tham khảo bài viết: "Nhập tịch là gì? cách xác định quốc tịch" do Codon.vn tổng hợp, chia sẻ.
- Căn cứ Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC quy định về lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam là: 03 triệu đồng/trường hợp.
- Những trường hợp được miễn lệ phí nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 5 Thông tư 281/2016/TT-BTC gồm có:
(1) Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
(2) Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đạt được những danh hiệu cao quý hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận.
(3) Người không quốc tịch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú.
(4) Người di cư từ Lào được phép cư trú xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Điều kiện, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam hiện theo quy định pháp luật đã được Blog Codon.vn chia sẻ, tổng hợp. Người nước ngoài, người không quốc tịch muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam phải nắm rõ các điều kiện để làm thủ tục. Pháp luật cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng đặc biệt được mang quốc tịch Việt Nam một cách dễ dàng.