Đối với cá nhân hành nghề kiến trúc sư với tư cách độc lập thì bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo quy định của pháp luật. Theo đó, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được hướng dẫn bởi Luật kiến trúc 2019 và những văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Thông tin này được chuyên mục Xây dựng trên trang codon.vn giải đáp như sau.
Cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cần điều kiện gì? Quy định về chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư mới nhất.
Tại Điều 21 Luật kiến trúc 2019 có nêu rõ, những chủ thể bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư khi hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc là:
- Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì kiến trúc
- Cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.
- Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
* Lưu ý:
- Đối với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc vẫn có thể được tham gia thực hiện kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc/hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được nêu rõ tại Chương III Luật kiến trúc 2019. Cụ thể:
Đối với cá nhân là người Việt Nam để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc thì cần phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Điều 28 Luật kiến trúc 2019. Đó là những điều kiện sau:
- Điều kiện về trình độ: Cá nhân đó phải có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc.
- Điều kiện về kinh nghiệm: Tối thiểu 03 năm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tại tổ chức hành nghề kiến trúc/hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
- Điều kiện về sát hạch: Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Điều kiện để được hành nghề kiến trúc đối với cá nhân là người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được quy định tại Điều 31 Luật kiến trúc. Những điều kiện cần phải đáp ứng đó là:
- Điều kiện 1: Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam/có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi
- Điều kiện 2: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề của Việt Nam.
Về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành đề kiến trúc đã được đề cập rất cụ thể tại bài viết thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hạng 1, 2, 3 mời bạn đọc cùng theo dõi.
Xin cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cần những giấy tờ gì? Tìm hiểu điều kiện làm chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư
Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ 02 ảnh chân dung 4 x 6cm
+ Văn bằng đại học phù hợp với nội dung chứng chỉ đề nghị cấp (đối với những văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì cần phải dịch sang tiếng Việt và có công chứng, chứng thực)
+ Giấy tờ pháp lý về cư trú/giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam)
+ Kết quả sát hạch đạt yêu cầu còn hiệu lực.
+ Quyết định phân công công việc/văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai.
Nộp hồ sơ tại: cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:
+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho cá nhân trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: Yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ.
Từ ngày 08/08/2022, lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư đã có sự điều chỉnh bởi Thông tư 38/2022/TT-BTC theo đó:
- Cấp lần đầu, lệ phí là: 300 nghìn đồng/chứng chỉ
- Cấp lại, gia hạn, công nhận chứng chỉ lệ phí là: 150 nghìn đồng/chứng chỉ.
Qua chia sẻ về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, hi vọng bạn đọc sẽ nắm được rõ hơn về lĩnh vực này cũng như gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư. Có thể thấy, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý của cơ quan nhà nước lại vừa là cơ sở để đảm bảo về chất lượng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiến trúc.