Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ thời điểm đăng ký. Vấn đề xác định thời điểm được tính giảm trừ gia cảnh được quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Cách xác định thời điểm bắt đầu tính giảm trừ gia cảnh, thời gian kết thúc theo quy định
- Giảm trừ gia cảnh được áp dụng với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Đây chính là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
- Giảm trừ gia cảnh gồm có: giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
- Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay thực hiện theo Công văn 883/TCT-DNNCN, theo đó:
+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân = 11 triệu/tháng.
+ Giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc = 4.4 triệu/tháng.
- Ví dụ:
Chị Hà làm việc tại công ty TNHH tư vấn đầu tư Thiên Minh, mức lương 12 triệu đồng/tháng. Chị có đăng ký người phụ thuộc là mẹ đẻ của mình.
- Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân chị Hà: 11 triệu/tháng.
- Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (mẹ chị Hà): 4.4 triệu đồng/tháng.
=> Tổng mức giảm trừ gia cảnh cho chị Hà = 11 + 4.4 = 15.4 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ gia cảnh, cách tính giảm trừ gia cảnh 2022 cho đối tượng chịu thuế TNCN
Lưu ý: Tất cả các quy định về thời gian, cách tính giảm trừ gia cảnh cho đối tượng đóng thuế đều được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ tài chính (cơ quan chính phủ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về tài chính, thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách khác). Chi tiết chức năng, nhiệm vụ và sơ đồ tổ chức của Bộ tài chính đã được wikipedia.org thông tin chi tiết qua bài viết này, Codon.vn mời bạn tham khảo để có nhiều kiến thức pháp luật cho mình).
- Bản thân người nộp thuế sẽ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân mức 11 triệu đồng/tháng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế tính từ khi phát sinh thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công.
Lưu ý: Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) => Phải lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Theo tiết c.2.2 và c.2.3 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc như sau:
* Người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
- Với trường hợp này, người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
- Thời điểm được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm chính là thời điểm đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
* Người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế
- Trong trường hợp này, nếu khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
=> Thời điểm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
- Lưu ý, trường hợp người phụ thuộc khác (anh, chị, em ruột, ông bà nội, ngoại,..của người nộp thuế)
=> Thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế.
Người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (là những đối tượng trên) quá thời hạn này thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
Cách xác định thời gian tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
* Ví dụ về cách tính số tháng giảm trừ gia cảnh
Ví dụ 1. Chị An sinh con vào tháng 1/2021.
Tháng 8/2021 chị An mới đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là con dưới 18 tuổi.
=> Chị An được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 8/2021.
Ví dụ 2. Chị An sinh con vào tháng 1/2021. Tuy nhiên năm 2021 lại chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Khi làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho năm 2021, chị An có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
=> Thời điểm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là tháng 1/2021.
Ví dụ 3. Tháng 5/2021, chị An phải trực tiếp nuôi ông nội 70 tuổi không có thu nhập.
- Năm 2021 chị chưa đăng ký người phụ thuộc là ông.
- Tháng 3/2022, khi làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021, chị An mới làm hồ sơ đăng ký người phụ thuộc.
=> Trường hợp này, chị An không được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là ông nội cho năm tính thuế 2021.
Bởi vì trường hợp ông nội là người phụ thuộc => Thời hạn đăng ký chậm nhất là 31/12 của năm tính thuế. Trường hợp chị An đăng ký đã quá hạn này.
Theo khoản 10 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC thì thủ tục đăng ký thuế giảm trừ gia cảnh như sau:
(1) Cá nhân có ủy quyền cho nơi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
=> Thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại nơi chi trả thu nhập cho mình.
Hồ sơ đăng ký thuế cho người phụ thuộc gồm:
- Văn bản ủy quyền cho nơi trả thu nhập.
- Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:
+ Người phụ thuộc là người Việt Nam, từ đủ 14 tuổi trở lên: bản sao CMND hoặc CCCD.
+ Người phụ thuộc là người Việt Nam, dưới 14 tuổi: bản sao giấy khai sinh hoặc hộ chiếu.
+ Người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài: bản sao hộ chiếu.
Chi tiết về hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, cách điền thời gian tính giảm trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định chi tiết tại thông tư 111/2013/TT-BTC. Bạn đọc có thể theo dõi tại bài viết hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc để nắm được thủ tục, các loại giấy tờ cần chuẩn bị.
=> Nơi trả thu nhập sẽ gửi hồ sơ và Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TH-TCT thông tư 105 cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.
- Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ, xem xét và thông báo mã số thuế của người phụ thuộc ủy quyền đăng ký thuế cho cơ quan chi trả thu nhập theo mẫu số 22-MST thông tư 105.
(2) Cá nhân không ủy quyền mà tự mình đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
* Cơ quan thuế làm thủ tục
- Cục thuế nơi làm việc: Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam chi trả.
- Cục Thuế nơi phát sinh công việc tại Việt Nam: Nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài.
- Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi thường trú hoặc tạm trú: Nếu thuộc trường hợp khác.
* Hồ sơ
Hồ sơ đăng ký thuế gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TCT thông tư 105.
- Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:
+ Người phụ thuộc là người Việt Nam, từ đủ 14 tuổi trở lên: bản sao CMND hoặc CCCD.
+ Người phụ thuộc là người Việt Nam, dưới 14 tuổi: bản sao giấy khai sinh hoặc hộ chiếu.
+ Người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài: bản sao hộ chiếu.
Trong trường hợp quên mã số thuế thu nhập cá nhân để làm hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc , bạn có thể dễ dàng tìm lại bằng cách tham khảo bài viết chia sẻ cách tra mã số thuế cá nhân của Codon.vn.
* Trả kết quả:
Cơ quan thuế trực tiếp gửi kết quả là "Thông báo mã số thuế người phụ thuộc" theo mẫu số 21-MST Thông tư 105 cho cá nhân trực tiếp đăng ký thuế cho người phụ thuộc.
Trên đây là thông tin về thời điểm được tính giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công mà Blog Codon.vn tổng hợp được. Bạn đọc cần lưu ý các quy định để nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc, xác định thời điểm bắt đầu tính giảm trừ gia cảnh và thời điểm kết thúc theo quy định của pháp luật.