Thời hạn sử dụng của CCCD gắn chíp

Thời hạn sử dụng của CCCD gắn chíp

Một trong những loại giấy tờ tùy thân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chứng minh về nhân thân của công dân đó chính là căn cước công dân gắn chíp. Hiện nay, căn cước công dân gắn chíp tích hợp có thể được sử dụng trong hầu hết các giao dịch. Chính vì vậy mà vấn đề thời hạn sử dụng của CCCD gắn chíp được quan tâm rất nhiều.

thoi han su dung cua cccd gan chip

Căn cước công dân gắn chíp có thời hạn bao nhiêu năm? Tìm hiểu quy định về thời hạn sử dụng của CCCD gắn chip

Mục Lục bài viết:
1. Thời hạn sử dụng của CCCD gắn chíp.
2. Giá trị sử dụng của CCCD gắn chíp.
3. Câu hỏi liên quan.
3.1. CCCD gắn chíp của ai vô thời hạn.
3.2. Không đổi CCCD hết hạn bị phạt như thế nào?

1. Thời hạn sử dụng của CCCD gắn chíp.

- Theo quy định của pháp luật về căn cước công dân, CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam thể hiện những thông tin cơ bản về lai lịch (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi cư trú), nhận dạng (đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay...) của công dân.

- Tại Điều 21 Luật căn cước công dân 2014 quy định về độ tuổi mà công dân bắt buộc phải đổi thẻ CCCD đó là:

+ Khi công dân đủ 25 tuổi, khi công dân đủ 40 tuổi và khi công dân đủ 60 tuổi.

+ Trường hợp đặc biệt: nếu công dân đã thực hiện đổi thẻ CCCD trong thời hạn 02 năm trước khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi thì CCCD đó vẫn còn giá trị sử dụng đến độ tuổi tiếp theo mới cần phải đổi.

(Trước đây thời hạn sử dụng của giấy CMND là 15 năm tính từ ngày cấp mà không phụ thuộc vào độ tuổi của công dân).

=> Như vậy, khi công dân Việt Nam đủ 14 tuổi thì sẽ được cấp CCCD theo quy định của pháp luật.

CCCD gắn chíp có thời hạn theo độ tuổi của công dân, cụ thể khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ CCCD để nắm được rõ hơn về độ tuổi phải đổi thẻ CCCD gắn chíp của công dân.

thoi han su dung cua cccd gan chip 2

Thời hạn của thẻ căn cước công dân gắn chíp, quy định về 03 độ tuổi cần đổi thẻ CCCD

- Ví dụ 1: Anh Nguyễn Văn Kiên sinh ngày 01/07/2000, đến tháng 10/2014 anh Kiên được cấp thẻ CCCD gắn chíp và có ghi thời hạn sử dụng đến năm 2025.

=> Tức là đến năm 2025, khi anh Kiên đủ 25 tuổi, thẻ sẽ hết hạn => anh Kiên phải làm thủ tục đổi thẻ CCCD gắn chíp.

- Ví dụ 2: Bà Quỳnh sinh năm 1984, năm 2022 bà đủ 38 tuổi và thực hiện làm thẻ CCCD gắn chíp theo quy định của pháp luật.

=> Thẻ CCCD gắn chíp của bà Quỳnh có thời hạn sử dụng đến năm 2044.

+ Theo quy định thì năm 40 tuổi bà phải đổi thẻ CCCD, tuy nhiên, bà đã đổi thẻ vào 2 năm trước đó => Cho nên thẻ có giá trị đến mốc độ tuổi tiếp theo mới cần đổi.

+ Năm bà 60 tuổi mới cần đổi lại thẻ CCCD gắn chíp. Năm bà Quỳnh đủ 40 tuổi thì không cần phải thực hiện thủ tục đổi thẻ CCCD gắn chíp.

2. Giá trị sử dụng của CCCD gắn chíp.

Giá trị sử dụng của CCCD gắn chíp được quy định tại Điều 20 Luật căn cước công dân 2014, cụ thể CCCD có giá trị sử dụng như sau:

- CCCD gắn chíp có giá trị là giấy tờ chứng minh của công dân Việt Nam được cấp thể để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- CCCD gắn chíp có giá trị sử dụng thay cho hộ chiếu (áp dụng đối với trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế/có thỏa thuận quốc tế cho phép cô dân nước ký kết được sử dụng CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu) trên lãnh thổ của nhau.

- CCCD gắn chíp được sử dụng trong các giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền được yêu cầu công dân xuất trình CCCD gắn chíp để tiến hành việc kiểm tra theo quy định (khi công dân đã xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì những chủ thể này không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin trong CCCD).

3. Câu hỏi liên quan.

3.1. CCCD gắn chíp của ai vô thời hạn.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 21 Luật căn cước công dân 2014, khi công dân đã thực hiện làm CCCD gắn chíp trong vòng 02 năm trước khi công dân đủ độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ CCCD gắn chíp thì thẻ CCCD gắn chíp đó vẫn có thời hạn sử dụng đến độ tuổi tiếp theo.

- Trong trường hợp công dân đã đủ 60 tuổi tính đến thời điểm cấp thẻ CCCD => Thời hạn sử dụng thẻ CCCD của công dân đó là vô thời hạn (tức là có giá trị sử dụng đến khi qua đời mà không cần phải đổi thẻ thêm lần nào nữa, trừ trường hợp mất, hỏng...)

- Đối với những công dân làm CCCD gắn chíp khi đủ 58 tuổi thì họ cũng được sử dụng thẻ CCCD gắn chíp này cho đến khi qua đời.

Ví dụ: Ông Đinh Văn Dũng sinh năm 1964, năm 2022, ông Dũng làm thủ tục đổi sang thẻ CCCD gắn chíp. Hỏi đến năm 2024 ông Dũng có phải đổi thẻ CCCD nữa không?

Trả lời:

Đến năm 2022, ông Dũng 58 tuổi và đã đổi sang CCCD gắn chíp => CCCD gắn chíp có giá trị sử dụng cho đến khi ông Dũng qua đời mà không cần phải làm thủ tục đổi thẻ CCCD gắn chíp thêm bất cứ lần nào nữa.

=> Đến năm 2024, ông Dũng sẽ không phải đổi thẻ CCCD gắn chíp nữa.

Về thủ tục đổi cấp thẻ CCCD đã được đề cập trong bài viết cách làm CCCD gắn chip online mời bạn đọc cùng theo dõi.

3.2. Không đổi CCCD hết hạn bị phạt như thế nào?

- Trường hợp thẻ CCCD đã hết hạn (khi đến độ tuổi luật quy định) thì công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp công dân không thực hiện thủ tục đổi CMND sang thẻ CCCD theo đúng quy định về pháp luật về đổi thẻ CCCD thì sẽ bị xử phạt theo Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

=> Cụ thể mức phạt đối với hành vi không đổi CCCD hết hạn là: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng.

Như vậy, tại chuyên mục CCCD đã chia sẻ với bạn đọc về thời hạn sử dụng của thẻ CCCD gắn chíp. Theo đó, thời hạn sử dụng này phụ thuộc vào độ tuổi của công dân. Việc đổi thẻ CCCD khi thẻ hết hạn là thủ tục bắt buộc mà công dân phải thực hiện, nếu không tuân thủ thì sẽ bị xử phạt. Công dân cần chú ý để thực hiện thủ tục đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp như quy định pháp luật, đảm bảo có giấy tờ hợp lệ để tham gia các giao dịch trong đời sống.

Bài liên quan