Theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy, xe ô tô khi tham gia giao thông bắt buộc phải có bằng lái xe. Nếu không có bằng lái, người điều khiển sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với các mức xử phạt tương ứng với từng phương tiện cụ thể. Vậy không bằng lái phạt bao nhiêu?
Không có bằng lái xe ô tô phạt bao nhiêu? Chi tiết mức phạt không có bằng lái xe máy, ô tô 2022 theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP
Dựa vào Điều 59, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bằng lái xe hay giấy phép lái xe (GPLX) được chia thành 02 loại là GPLX không có thời hạn và GPLX có thời hạn. Trong đó:
- GPLX không có thời hạn là GPLX đối với xe máy, bao gồm các hạng phổ biến là A1, A2.
- GPLX có thời hạn là GPLX đối với ô tô, bao gồm hạng phổ biến nhất là B1, bên cạnh đó còn có GPLX hạng B2, C, D,...
Lưu ý: Người điều khiển phương tiện cơ giới phải có bằng lái xe tương ứng với phương tiện điều khiển.
Ví dụ: Bằng A1 được cấp cho xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 - dưới 175cm3, trong khi đó, Bằng A2 lái được cấp cho xe máy có dung tích xi lanh trên 175cm3. (Hạng bằng sau có thể có giá trị thay thế cho hạng bằng trước, tức là người có GPLX hạng A2, có thể lái xe máy thuộc diện cấp bằng A1)
Tại Khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi không có bằng lái xe máy như sau:
- Đối với xe máy có dung tích xi lanh dưới 175cm3:
Phạt tiền: Từ 1.000.000 đồng → 2.000.000 đồng.
- Đối với xe máy có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên:
Phạt tiền: Từ 4.000.000 đồng → 5.000.000 đồng.
Lỗi không bằng lái phạt bao nhiêu? Mức phạt không có bằng lái xe máy 2022
Để dự thi cấp bằng lái xe, công dân phải đủ độ tuổi theo quy định. Với trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định sẽ bị xử phạt. Chi tiết mức phạt, chưa đủ tuổi lái xe phạt bao nhiêu của Codon.vn.
So với mức xử phạt đối với xe máy, người điều khiển ô tô không có bằng lái xe sẽ bị áp dụng mức phạt tiền cao hơn, cụ thể là từ 10 triệu - 12 triệu đồng.
Đây là mức xử phạt cũng được ghi nhận tại Khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Lưu ý: Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển xe máy, xe ô tô không có bằng lái còn bị tạm giữ phương tiện trong thời gian tối đa 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Căn cứ vào Khoản 3, Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có thể xác định thời điểm xử phạt vi phạm đối với hành vi không có bằng lái xe như sau:
- Tại thời điểm kiểm tra giấy tờ, nếu người điều khiển không xuất trình được bằng lái xe, thì cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản về vi phạm hành chính đối với hành vi không có giấy tờ.
- Theo thời gian hẹn giải quyết vụ vi phạm được ghi trong biên bản, người điều khiển nếu quá hạn mới xuất trình hoặc không xuất trình được bằng lái thì sẽ bị xử phạt về hành vi không có bằng lái theo đúng hành vi ghi trong biên bản xử lý vi phạm.
- Như vậy, thông thường, việc xử phạt đối với hành vi không có bằng lái không được thực hiện tại thời điểm kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, căn cứ vào độ tuổi điều khiển, cảnh sát giao thông có thể thực hiện xử phạt tại chỗ tại thời điểm kiểm tra, ví dụ, người điều khiển phương tiện là người dưới 18 tuổi.
Lưu ý: Việc xác định thời điểm xử phạt vi phạm đối với hành vi không có bằng lái xe quan trọng, bởi nó quyết định đến việc người điều khiển bị xử phạt về hành vi không có GPLX hay không mang theo Giấy phép lái xe. (Xem chi tiết mức phạt tại bài viết "Mức phạt lỗi không có hoặc không mang giấy tờ xe").
Em là Linh 19 tuổi, ngày 3/5/2022, em có mượn xe máy của bạn đi chơi nhưng lại chưa có bằng lái, hơn nữa, em lại đi ngược chiều vào đường Tố Hữu, Hà Nội. Xe bạn em là xe Vision 110 cc. Lúc này, em bị cảnh sát giao thông bắt và lập biên bản xử lý. Cho em hỏi, mức phạt tiền áp dụng đối với em là bao nhiêu và bạn cho em mượn xe có bị xử phạt không ạ?
- Trả lời cho câu hỏi của bạn, trước hết, có thể khẳng định, bạn đã thực hiện 02 hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ:
(1) Không có Giấy phép lái xe.
(2) Đi ngược chiều của đường một chiều.
Với hai hành vi này, mức xử phạt có thể áp dụng với Linh được xác định như sau:
+ Theo điểm c, Khoản 4, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi đi ngược chiều sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng → 2.000.000 đồng.
+ Đồng thời, hành vi không có bằng lái xe sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng → 2.000.000 đồng.
=> Như vậy, nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt trung bình được áp dụng đối với bạn là 3.000.000 đồng cho cả hai hành vi.
Mức phạt không có giấy phép lái xe, đi ngược chiều theo Nghị định 123
- Đối với bạn cho Linh mượn xe, bạn này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển (giao xe cho người không có bằng lái), mức xử phạt là phạt tiền từ 800.000 đồng → 2.000.000 đồng.
Người đến nộp phạt và nhận lại xe máy là Linh.
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ, nếu người điều khiển xe máy, xe ô tô mà làm chết người, gây thương tích, tổn hại sức khỏe, gây thiệt hại tài sản ở một mức nhất định thì không có bằng lái xe là tình tiết định khung tăng nặng.
Người không có bằng lái xe gây tai nạn có thể bị áp dụng hình phạt tù lên đến 10 năm và ít nhất là 03 năm.
Lưu ý: Thông tin tổng quan về tai nạn giao thông, nguyên nhân và các giải pháp giảm thiểu đã được chia sẻ trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để xem thêm.
Thông tin giải đáp thắc mắc không bằng lái phạt bao nhiêu đã được Blog Codon.vn chia sẻ. Có thể thấy, mức xử phạt đối với hành vi không có bằng lái hiện nay đã có sự thay đổi theo hướng cao hơn so với mức xử phạt cũ. Do vậy, người điều khiển phương tiện cần chủ động thi bằng lái xe, nhằm đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định và tránh tình trạng bị xử phạt vi phạm không đáng có.