Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài 2022, mẫu đơn, lệ phí đăng ký

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài mới nhất được thực hiện theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ. Trong đó, việc khám sức khỏe tâm thần để đăng ký kết hôn với người nước ngoài cần được mọi người quan tâm, lưu ý.

thu tuc dang ky ket hon voi nguoi nuoc ngoai moi nhat

Chi tiết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài mới nhất 2022

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
2. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
2.1. Khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài.
2.2. Chuẩn bị hồ sơ.
2.3. Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.
2.4. Thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
2.5. Trao giấy chứng nhận kết hôn.
3. Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
4. Câu hỏi thường gặp.
4.1. Có nên sử dụng dịch vụ làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài không?
4.2. Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài phải đăng ký kết hôn ở cơ quan nào tại Việt Nam?

1. Điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Căn cứ Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì cả hai bên nam, nữ phải đáp ứng các điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam.

Người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Đảm bảo sự tự nguyện khi kết hôn: Việc kết hôn là do hai bên nam, nữ tự nguyện quyết định.

- Nam, nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Việc kết hôn không thuộc 01 trong các trường hợp sau đây:

+ Kết hôn giả tạo.

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn.

+ Kết hôn giữa người đang có vợ, có chồng với người khác hoặc kết hôn giữa người chưa có vợ, chưa có chồng với người đang có chồng, có vợ.

+ Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

- Nhà nước Việt Nam không thừa nhận hôn nhân đồng giới.

thu tuc dang ky ket hon voi nguoi nuoc ngoai moi nhat 2

Điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài năm 2022 tại Việt Nam

Chú ý: Hôn nhân đồng giới được hiểu là cuộc hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học hay giới tính xã hội. Hiện tại, có nhiều nước trên thế giới ủng hộ và phản đối các cuộc hôn nhân dạng này. Để có thêm nhiều thông tin về hôn nhân đồng giới, bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết thông tin trên wikipedia.org qua bài viết này.

2. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2.1. Khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài

- Đây là nội dung quan trọng, bắt buộc phải thực hiện trước khi công dân nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.

- Việc khám được thực hiện tại các bệnh viện có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài; nhằm mục đích xác nhận công dân không bị mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

- Khi đi khám sức khỏe, công dân chuẩn bị: giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (photo), CMND/CCCD, ảnh thẻ 3x4 và lệ phí khám theo quy định của bệnh viện.

- Bệnh viện khám: Công dân có thể đến những bệnh viện chuyên khoa tâm thần, bệnh viện được sự cho phép của Sở Tư Pháp và Sở Y tế. Nếu địa phương không có bệnh viện chuyên khoa tâm thần thì có thể đến bệnh viện đa khoa cấp tỉnh để được hỗ trợ khám.

2.2. Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 30 Nghị định 123 năm 2015, Điều 38 của Luật Hộ tịch năm 2014 thì hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với trường hợp kết hôn giữa hai người Việt Nam.

* Giấy tờ phải nộp gồm có:

(1) Tờ khai đăng ký kết hôn có ghi nhận thông tin của 2 bên nam nữ (01 Bản chính).

- Tờ khai được dùng theo mẫu quy định, do cơ quan thực hiện đăng ký kết hôn cung cấp.

- Nam nữ có thể khai chung vào 1 tờ khai này.

(2) Giấy khám sức khỏe (01 bản chính).

(3) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài (01 bản chính).

- Tùy từng quốc gia mà giấy này có tên gọi khác nhau, ví dụ như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn, Bản tuyên thệ về tình trạng hôn nhân, Bản tuyên thệ độc thân,...

- Giá trị sử dụng của giấy này theo thời hạn ghi trên giấy. Nếu không ghi thời hạn sử dụng thì có giấy giá trị trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cấp.

(4) Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (01 bản sao) => Áp dụng với trường hợp người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp: phải được hợp pháp hóa lãnh sự trừ trường hợp được miễn, được dịch thuật sang tiếng Việt và công chứng.

Ngoài ra, công dân có thể phải nộp thêm các giấy tờ như:

(5) Giấy xác nhận việc kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành (01 bản sao)

=> Áp dụng với công dân Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang.

(6) Trích lục ghi chú ly hôn (01 bản sao) => Nếu công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

(7) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp (01 bản chính) => Áp dụng trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài.

thu tuc dang ky ket hon voi nguoi nuoc ngoai moi nhat 3

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài 2022

* Giấy tờ phải xuất trình gồm có:

- Công dân Việt Nam xuất trình: CMND, CCCD, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn thời hạn sử dụng. Trong trường hợp CCCD đã hết hạn, công dân cần làm lại CCCD gắn chip theo quy định của pháp luật. Chi tiết hồ sơ, giấy tờ cần mang theo, công dân có thể tham khảo tại bài viết đi làm CCCD gắn chíp cần mang theo giấy tờ gì để có thêm thông tin.

- Người nước ngoài xuất trình: Bản chính hộ chiếu. Nếu không có hộ chiếu thì có thể dùng giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.

- Sổ hộ khẩu (trong giai đoạn chuyển tiếp) nhằm mục đích xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn.

2.3. Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Theo Điều 31, 32, 33 Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ, việc nộp hồ sơ làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài tiến hành như sau:

- Hai bên nam, nữ nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ kiểm tra sơ bộ hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ thì ghi giấy tiếp nhận, trong đó nêu rõ thời gian trả kết quả.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện.

2.4. Thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

- Nếu có tố cáo, khiếu nại việc kết hôn không đủ điều kiện hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về giấy tờ hay nhân thân của các bên hoặc thì Phòng Tư pháp xác minh.

- Ngoài ra, khi cần thiết thì Phòng Tư pháp có thể phỏng vấn các bên để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn.

- Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên đảm bảo điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn => Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

2.5. Trao giấy chứng nhận kết hôn

- Hai bên nam nữ có mặt tại UBND huyện, ký tên vào Sổ Hộ tịch và giấy chứng nhận kết hôn.

- Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

3. Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Theo điểm e khoản 3 Điều 1 Thông tư 106/2021/TT-BTC thì lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.

=> Chính vì vậy, tại mỗi tỉnh, thành phố khác nhau thì mức thu lệ phí sẽ khác nhau.

4. Câu hỏi thường gặp

4.1. Có nên sử dụng dịch vụ làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài không?

- Hiện này có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

- Về cơ bản, dịch vụ này sẽ hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, theo dõi để có kết quả là giấy chứng nhận kết hôn. Một số dịch vụ còn hỗ trợ vấn đề tìm địa điểm khám sức khỏe tâm thần trước khi kết hôn và những công việc khác phục vụ cho việc đăng ký kết hôn theo thỏa thuận.

=> Do đó, phụ thuộc vào nhu cầu của công dân, chi phí và thời gian giải quyết dịch vụ mà công dân có thể sử dụng dịch vụ làm giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

4.2. Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài phải đăng ký kết hôn ở cơ quan nào tại Việt Nam

Trả lời: Nam giới, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài cần đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Trên đây là quy định mới nhất về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài mà Blog Codon.vn tổng hợp được, công dân cần nắm rõ. Khi kết hôn với người nước ngoài, công dân Việt Nam cần tìm hiểu rõ đối phương, nếu tiến hành đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Liên quan đến các thủ tục hành chính đối với người nước ngoài, luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài cũng quy định rõ thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài về Việt Nam. Là công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, người nước ngoài sang Việt Nam sinh sống, làm việc công tác, bạn cần nắm rõ hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị để làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng.

Bài liên quan